“Chỉ những trái tim sắt đá mới thờ ơ trước câu chuyện này" - Glamour
Một trong những chủ đề tối kỵ khi giao tiếp chính là tôn giáo. Và một trong những giá trị cốt lõi nên phải đồng điệu khi tìm kiếm một người đồng hành suốt cuộc đời, cũng là tôn giáo.
Bản thân mình luôn có những câu hỏi mình vẫn chưa có thể tự tin trả lời được, trong đó chính là: “Tôn giáo là gì?” “Đức tin là gì?” “Tại sao chúng ta phải nên có tín ngưỡng trong đời?”
Đa số chúng ta đền được dạy là phải có đức tin. Niềm tin luôn là một sự diệu kì, một giải trúng số độc đắc trong quá trình tiến hóa mà con người có được. Và tín ngưỡng, tôn giáo, theo cá nhân mình nghĩ, được xây dựng trên nền tảng đó. Nhưng bản thân mình cũng không thể nói mình có đức tin hay tín ngưỡng nào hay không, vì nó luôn là một điều rất mơ hồ. Và mình may mắn được sinh ra mà không hề có một ràng buộc nào cho việc mình phải chọn và tôn thờ một ai đó.
Mình rất thích và khá tò mò về những câu chuyện về tôn giáo, bất kể đó là đạo gì. Và mình đã rất thích cách tác giả cuốn sách “Cuộc đời của Pi" nói về tôn giáo, rằng tín ngưỡng chính là một tình yêu trong sáng và thuần khiết nhất cho Người, bất kể Người là ai. Và với bản thân mình, nếu ai đó nhân danh đức tin để tước đi quyền cơ bản của con người, đó chỉ là sự ích kỉ của con người, chứ không phải là tôn giáo đích thực.
Cuốn sách của Hosseini luôn khắc họa chân thực nhất những mặt tối của cuộc sống. Mà trong cuốn Ngàn mặt trời rực rỡ này chính là số phận của những người phụ nữ phải sống trong chiến tranh, đàn áp, coi rẻ và đối xử không khác gì những món đồ để sở hữu.
Mariam và Laila, dù xuất thân và tư tưởng khác biệt, nhưng vẫn phải oằng mình dưới sự áp bức của luật lệ tôn giáo hà khắc, của trọng nam khinh nữ, của chiến tranh và của sự tàn ác đội lốt một chiếc mặt nạ linh thiêng. Ở đó, sự vùng lên đồng nghĩa với cái chết.
Điều mình thích ở Hosseini chính là cái cách ông gieo một mầm hy vọng, một tia sáng, một ngọt ngào sau cuối cho tất cả những lầm than, đau đớn, tủi nhục, tội lỗi mà các nhân vật đã gây ra hoặc chịu đựng. Trong những ngày dịch giãn cách toàn thành phố, chúng ta đều than phiền về việc phải ở nhà, không được thưởng thức những món ăn thường ngày, không được mặc những bộ quần áo đã mua, không được bay đến đâu đó để du lịch cho khuây khỏa. Chúng ta mãi phiền hà mà quên mất rằng, ngay cả việc “được than phiền" cũng là một sự may mắn….
Nhận xét
Đăng nhận xét