Một chén nước mát cho ngày đông chí!
Nó gợi lại cho tôi lý do tại sao lại yêu thích truyện Nguyễn Nhật Ánh đến vậy! Mỗi cuốn sách giống như một món ăn, đều có dư vị. Lúc cay xè lưỡi, lúc nhẵn nhẵn đắng lòng, nhưng cũng có lúc nhẹ nhàng thanh mát. Vì thế nên thích truyện Nguyễn Nhật Ánh, vì ai mà hổng thích một chút ngọt ngào vui tươi?
Cuốn sách là một cái kết hoàn hảo cho cuốn truyện đầu. Thật ra khi mua cuốn sách này, trong lòng đã có một nỗi nghi ngại, vì bác NTA dạo này có vẻ đuối sức! Và tôi đủ thích cuốn Cho tôi một vé đi tuổi thơ để không muốn phá hỏng ấn tượng về nó bằng một phiên bản kẹo kéo gây ức chế. Cái mẹt Gạo nếp gạo tẻ là một ví dụ tiêu biểu cho câu càng dài càng dai càng dở! Và may mắn thay, chẳng ai phải ngồi lựa gạo với cuốn sách này cả!
Ai cũng có một tuổi thơ. Tôi không ở đây để so sánh tuổi thơ mình đẹp hơn ng này người kia. Tôi chỉ luôn thầm cảm ơn rằng mình được lớn lên ở một vùng quê, một cái xóm nhỏ ở một thị trấn miền núi mà nói tên chẳng ai biết. Được hồn nhiên, được rong chơi hò hét đủ thứ trò mà nói ra nhiều khi không ai biết. Với những trưa hè rợp bóng thì thần xem sẽ chơi đồ hàng ở nhà ai, với những con suối chiếc thác trong veo, với những buổi tối cúp điện cả nhà dọn chiếu ra sân hè nằm ngủ, với những chiều gần tết theo mẹ đi hái trái điều ăn, chan chát ngòn ngọt, với những buổi tối trốn tìm rộn ràng khắp xóm. Rồi được may mắn chỉ phải học đúng 1 lớp ở trường, chẳng phải gà gật ở lớp tiếng anh hay đàn hát (mặc dù đã rất tủi thân khi bước chân lên thành phố học và thua kém bạn bè đồng trang lứa). Vui vẻ mà lớn lên! Hạnh phúc trong ngần không hề giấu diếm qua tiếng cười!
Vì vậy nên lúc nào tôi cũng muốn nhớ về khoảng thời gian ấy. Nhất là khi phải vật lộn trong thế giới người lớn, cười như không cười, vui buồn lẫn lộn, vật chất và trần trụi. Tuổi thơ như một kho báu, tôi cất thật kĩ trong tim, có dịp sẽ đem ra ngắm nghía. Tỷ như lúc này đây, sau khi đọc xong cuốn sách này!
Nhận xét
Đăng nhận xét